Theo chân nữ tác giả với mong muốn mang tuổi thơ về làm món ăn tinh thần cho những tâm hồn giữa cuộc sống nhiều vội vã của trưởng thành, “Miền quê ngoại” hiện lên vẫn bối cảnh yên bình của một làng quê Việt Nam, những trưa hè nắng gắt, những mương nước mát lành cho hai đứa trẻ tắm vầy, những nụ cười rạng rỡ đen nhẻm, tiếng pháo rộn ràng ngày Tết Nguyên Đán. Ở đó có tình cảm gia đình, tình bạn, những gam màu tươi sáng và đẹp đẽ trong bức tranh tuổi thơ của cô gái Bành bé nhỏ.
Xuyên suốt hai mươi tư chương truyện, những đùm bọc ấm áp và tình yêu thương vô bờ bến mà bé Bành nhận được từ mẹ, từ ông bà ngoại, từ anh Nhí, từ cô Ba và cả người bạn Thảo Cái đã đưa người đọc sực nhớ và lục tìm lại chiếc hộp kỉ niệm của mình. Ai cũng từng có một thời bé bỏng, ngây dại, được vỗ về, âu yếm, được nhường nhịn, dù có mắc lỗi cũng nhanh chóng được tha thứ. Những câu chữ mộc mạc nhưng đựng chứa nguyên vẹn cảm xúc đã thực sự chạm tới trái tim người đọc.
Đâu đó trong miền kí ức thơ bé, có nụ cười hiền từ móm mém màu trầu của bà, có dáng ông đứng chăm chút cho đôi ba chậu cây ngoài hiên nhà, có mẹ nghiêng vành nón lá ôm hôn bằng cả tình yêu thương. Bữa cơm đoàn viên ấm cúng ở Sông Ray, cảm giác hạnh phúc và thân thương khi lại được ôm cô con gái út vào lòng khiến những băn khoăn trở về quê nhà lại gợn lên trong lòng người mẹ.
Tình cảm gia đình là điều vô cùng quý giá, là vùng đất tốt lành nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi đứa trẻ. Giây phút Bành khoác balo lên vai theo ba về nhà chú Sáu, dưới ánh trăng hiền dịu, cô bé thấy thấp thoáng dáng bà ngồi trước hiên nhà mỉm cười, đã nhẹ nhàng khép lại câu chuyện về một mảng ký ức thơ ấu của Bành. Gập cuốn sách, một khung cảnh mở ra trước mắt: vào một buổi chiều cuối Hè êm ả, Bành gối đầu lên chân ngoại, hướng đôi mắt về phía cuối chân trời, bình yên.
Nội dung từ website tác giả
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Miền quê ngoại”